latest Post

Những người lớn thích phán xét

 

Nếu một người lớn lỡ tay (hoặc thậm chí cố tình) đánh một đứa trẻ, thì bản thân họ và những người xung quanh cũng chỉ nhìn qua, hay họ cũng chỉ chậc lưỡi và bảo: tại đứa trẻ hư, tại abcxyz,… Chứ không thấy ai bảo người lớn đó là côn đồ, là thích đánh người, là đanh đá, hay đánh người thế thì mai mốt ra ngoài xã hội bị đứa khác to hơn nó đánh lại cho, hay chỉ trích tại ba mẹ không biết dạy dỗ…

Vậy mà có những người lớn lại nhẫn tâm dùng những lời phán xét, chỉ trích đó với những đứa trẻ chỉ 2, 3 tuổi!


Với trẻ con tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống đều giúp con học hỏi những điều mới mỗi ngày. Chúng chơi với nhau, cười đó, vui đó, nhưng cũng đánh nhau, khóc lóc ngay đó. Thế nhưng những lúc đó, điều mà chúng cần không phải là những người lớn thích phán xét. Chúng sẽ tự tìm ra cách làm hòa với nhau. Và đặc biệt là ngay sau đó, chúng sẽ lại chơi với nhau vui vẻ mà chẳng hề nhớ 1 phút trước chúng đã đánh nhau vì lý do gì.

Việc của người lớn là hãy can thiệp kịp thời để không có “thương tích” xảy ra. Còn lại, trẻ con sẽ tự biết phải làm hòa với nhau thế nào. Người lớn đừng phán xét, chỉ trích, chửi rủa, hay thậm chí lao vào đánh đứa trẻ kia. Vì nếu người lớn làm như vậy, thì không chỉ có 1 đứa trẻ bị thương, mà cả hai đứa đều tổn thương (chỉ khác là một đứa thì bị thương ngoài da thịt- còn một đứa thì bị thương ở trong tâm hồn). Mà vết thương trong tâm hồn, người lớn đâu có nhìn thấy, sờ thấy- nên họ hài lòng với việc mình vừa làm, và coi đó là điều nên làm để dạy dỗ đứa trẻ.

Có những người lớn thích phán xét đến nỗi, sau khi đứa trẻ đánh bạn, họ liền lao vào chửi rủa, quy chụp đứa trẻ với đủ ngôn từ nanh nọc. Và chưa dừng ở đó, khi ba/mẹ của đứa trẻ tới đón, họ lại tiếp tục với những lời chỉ trích, “dạy dỗ” và võ đoán về tính cách của đứa trẻ đó. Cứ thế, đứa trẻ bị nghe đầy tai những lời không hay về nó- mà nó không hiểu nổi tại sao. Tại sao người lớn có thể lao vào đánh nó lúc nó đánh bạn- mà không bị nói là mất dạy hay côn đồ? Và nó tự thấy xấu xí về bản thân mình. Nó mang nỗi buồn đó trong lòng và những lời quy chụp của những người lớn thích phán xét đó.

Nếu ba mẹ của đứa trẻ là người biết lắng nghe, thì một lúc nào đó, nó sẽ chợt buồn và kể cho mẹ nghe về ngày hôm nay. Nó tự miêu tả lại nó bị đối xử thế nào. Và bạn chợt đau đớn nhận ra, những lời phán xét nanh nọc mà con phải nghe, thực ra không hoàn toàn vì hành động của con- mà là vì những định kiến mà những người lớn đó có với chính bạn. Chỉ vì họ không thích bạn- nên khi con bạn làm điều gì, là họ sẵn sàng buông lời quy chụp vào đứa trẻ.

Hỡi những người lớn thích phán xét, hãy thôi phán xét và nghĩ thử xem: khi một đứa trẻ đánh một đứa trẻ khác (tầm tuổi nhau) thì chúng có côn đồ bằng một người lớn đánh một đứa trẻ (nhỏ hơn mình nhiều) không?

About happykids

happykids
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét